Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh là trường đào tạo luật hàng đầu ở khu vực phía Nam, đạt chất lượng cao trong giảng dạy và nghiên cứu để góp phần xây dựng cộng đồng, phát triển đất nước và hội nhập, hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới và các quốc gia trong khu vực.
Với vai trò là một trong hai Trường đại học trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật trong cả nước theo Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 04/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh luôn đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và thực hiện hoạt động kiểm định bên ngoài.
Năm 2009, Trường là 1 trong số 40 trường đại học trong cả nước đã hoàn thành hoạt động đánh giá ngoài. Đến năm 2014, thực hiện đúng quy định của pháp luật về chu kỳ kiểm định 5 năm, Trường tiếp tục hoàn thành Bản báo cáo Tự đánh giá và tập hợp Danh mục minh chứng để sau đó vào tháng 6/2016, Trường đã đăng ký hoạt động đánh giá ngoài tại Trung tâm Kiểm định Đại học Quốc gia TP.HCM (một trong bốn trung tâm kiểm định được Bộ GD&ĐT công nhận). Nội dung kiểm định tuân thủ theo Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học của Bộ GD&ĐT (theo Văn bản hợp nhất số 06/ VBHN-BGDĐT) bao gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí bao quát tất cả các lĩnh vực của Nhà trường bao gồm: sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu, hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, đội ngũ, cơ sở vật chất...
Ngày 03/5/2017, Giám đốc Trung tâm Kiểm định Đại học Quốc gia TP.HCM đã ký Quyết định số 10/QĐ-TTKĐ cấp Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục cho Trường Đại học Luật TP.HCM. Giấy chứng nhận này có giá trị 5 năm – hiệu lực đến ngày 03/5/2022.
* Những thế mạnh nổi bật
Bên cạnh chuyên ngành Luật truyền thống, hiện nay Nhà trường đang từng bước chuyển từ trường đại học đơn ngành sang trường đại học đa ngành với việc mở thêm ngành đào tạo mới. Từ năm học 2009 - 2013, Nhà trường mở thêm 3 ngành đào tạo là Quản trị - Luật (thời gian đào tạo 5 năm), Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Anh văn pháp lý). Đến năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định 2234/QĐ-BGDĐT cho phép trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh mở thêm ngành Luật Thương mại quốc tế.
Như vậy, tính đến 5/2017, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh và đào tạo trình độ cử nhân 05 ngành thuộc các lĩnh vực Pháp luật, Kinh tế và Ngôn ngữ.
- Trường Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh – là một trong hai Trường đại học trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật trong cả nước theo Quyết định số 549 /QĐ-TTg ngày 04/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ, với tiêu chí chất lượng đã được khẳng định “chuẩn mực – năng động – uy tín” đã và đang là một cơ sở đào tạo cung ứng chủ yếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực pháp luật cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của các tỉnh phía nam nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, mới đây Nhà trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (QĐ 521/QĐ-TTg) tạo tiền đề quan trọng để Nhà trường thực hiện tự chủ trong nhiều lĩnh vực của công tác đào tạo.
- Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh có bề dày kinh nghiệm trong công tác đào tạo cán bộ pháp luật với lịch sử phát triển 40 năm, đã góp phần đào tạo phần lớn đội ngũ cán bộ pháp luật cho các tỉnh phía Nam. Tính từ năm 1996 đến 10/2016, Trường đã đào tạo và cấp bằng cho trên 44.842 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh (trong đó có 19.113 sinh viên hệ chính quy, 1.071 hệ chính quy văn bằng 2 và 22.803 học viên hệ vừa làm vừa học; trình độ Thạc sĩ: 1.830 học viên và trình độ Tiến sĩ: 25 nghiên cứu sinh). Hàng năm, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh hàng năm có việc làm là khá cao. Tỉ lệ sinh viên có việc làm ổn định đều chiếm trên 90% (Theo số liệu năm 2019, đối với ngành luật có 96% sinh viên có việc làm, ngành Quản trị Luật 93% sinh viên có việc làm, ngành Quản trị kinh doanh 96% sinh viên có việc làm, ngành Ngôn ngữ Anh 89% sinh viên có việc làm.)... Đồng thời, qua kết quả khảo sát đối với đơn vị sử dụng lao động năm 2018 có 96% đơn vị sử dụng lao động hài lòng về chất lượng cử nhân tốt nghiệp của trường; 83,6 sinh viên tốt nghiệp làm ở bộ phận đúng với chuyên ngành được đào tạo; 72,5% đơn vị đánh giá kỹ năng sử dụng ngoại ngữ của sinh viên ở mức tốt và khá. Điều này chứng tỏ nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực là sinh viên Luật là vẫn còn khá cao. Và dự kiến trong thời gian tới với chiến lược cải cách tư pháp sẽ là cơ hội để các sinh viên tốt nghiệp tại trường có cơ hội việc làm ổn định.
- Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đang đào tạo đủ các chuyên ngành luật, từ bậc đại học đến cao học và tiến sĩ luật, với qui mô đào tạo lớn thứ 2 của cả nước. Nhà trường là một trong 03 cơ sở đào tạo Luật có đào tạo đủ 3 cấp độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng là trường có nhiều chuyên ngành đào tạo thạc sĩ (Luật Kinh tế, Luật Dân sự và Tố tụng Dân sự, Luật Hiến pháp và Hành chính, Luật Quốc tế, Luật Hình sự và Tố tụng hình sự, Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm) và 3 chuyên ngành tiến sỹ (Luật Kinh tế, Luật Hình sự & TTHS, và Luật Hành chính - Nhà nước).
Đến 10/2016, Trường có qui mô đào tạo 18.705 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh gần tương đương với Trường Đại học Luật Hà Nội và lớn thứ 2 của cả nước.
Kết quả khảo sát đơn vị sử dụng lao động năm 2018 về chương trình đào tạo của Trường Đại học Luật TP.HCM, 83,6% đơn vị đánh giá ở mức tốt và khá chương trình thiết kế đáp ứng yêu cầu công việc; 84,8 % đơn vị sử dụng lao động đánh giá ở mức tốt và khá các kiến thức chuyên môn được đào tạo có hữu ích cho công việc của đơn vị.
- Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh có đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật mạnh cả về số lượng và chất lượng, đứng thứ 2 cả nước, lớn nhất khu vực phía Nam và gấp hàng chục lần các cơ sở đào tạo cử nhân luật ở phía Nam.
Từ khi thành lập đến nay, Nhà trường đã không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức nhân sự, phát triển đội ngũ giảng viên. Hiện nay Nhà trường có đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật mạnh cả về số lượng và chất lượng, đứng thứ 2 cả nước, lớn nhất khu vực phía Nam và gấp hàng chục lần các cơ sở đào tạo cử nhân luật ở phía Nam (Khoa Luật Kinh tế - ĐH Kinh tế TP. HCM, Khoa Luật – ĐH Sài Gòn, Khoa Luật – ĐH Kinh tế, Khoa Luật – ĐH Mở, Khoa Luật – ĐH Đà Lạt...).
Hiện nay, Nhà trường có 389 CB,GV; trong đó có 278 giảng viên (gồm có 01 giáo sư, 15 Phó Giáo sư, 61 tiến sĩ, 193 thạc sĩ, 01 giảng viên cao cấp và 38 giảng viên chính). Rất nhiều giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển như: Nga, Đức, Nhật, Úc, Thụy Điển, Hà Lan, Hàn Quốc, Anh, Pháp... Lực lượng giảng viên có chuyên môn cao và bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy, tâm huyết với sinh viên, thành thạo ngoại ngữ một thế mạnh vượt trội của Trường so với tất cả các cơ sở đào tạo luật khác ở phía Nam.
- Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh có quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều cơ sở đào tạo luật ở nước ngoài và có khả năng hội nhập quốc tế cao. Nhà trường hiện có quan hệ hợp tác quốc tế với hơn 40 trường đại học trên thế giới của Pháp, Mỹ, Nhật, Nga, Thụy Điển, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Singapore ..... Đang có 2 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ luật với Anh và Pháp, có 2 chương trình cử nhân hợp tác với Nhật và Pháp... Giảng viên của Trường tốt nghiệp từ nhiều nước phát triển, vì vậy Trường có khả năng hội nhập quốc tế cao và khả năng phát triển các chương trình quốc tế.
- Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo cử nhân luật dẫn đầu cả nước về các chương trình đào tạo chất lượng cao, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo cán bộ pháp luật.
Trường hiện có các chương trình đào tạo cử nhân luật chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu đào tạo chất lượng cao tập trung vào: kiến thức luật, rèn luyện kỹ năng thực hành nghề luật, và SV tốt nghiệp có thểsử dụng tiếng Anh thành thạo. Bên cạnh đó còn có chương trình cử nhân Quản trị - Luật. Chương trình cử nhân luật chất lượng cao chuyên ngành hành chính – tư pháp nhằm cung cấp nguồn nhân lực cử nhân luật có chất lượng cao cho các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan tư pháp như TAND, VKSND, thi hành án DS và các tổ chức bổ trợ tư pháp... Đây sẽ là nguồn nhân lực “đầu vào” có chất lượng cao cho ngành tư pháp để sau này có thể được đào tạo, bồi dưỡng thêm nghề luật. Chương trình cử nhân luật chất lượng cao chuyên ngành thương mại- dân sự - quốc tế nhằm cung cấp nguồn nhân lực cử nhân luật có chất lượng cao cho công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Trường còn có các lớp cử nhân luật tăng cường tiếng Pháp và Cử nhân Luật tăng cường tiếng Nhật, sinh viên sẽ được học thêm tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật và được học một số môn luật bằng tiếng Pháp, tiếng Nhật; khi tốt nghiệp có thể sử dụng thành thạo tiếng Nhật, tiếng Pháp trong công việc đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế hoặc du học nước ngoài.
- Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo cử nhân luật duy nhất ở phía Nam có bộ giáo trình, tập bài giảng, tài liệu học tập của Trường và được nhiều cơ sở đào tạo luật sử dụng làm tài liệu chính thức để giảng dạy.
Đến tháng 02/2016, Nhà trường đã biên soạn được 36 giáo trình và 30 tập bài giảng, trong đó có những giáo trình đóng vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo ngành Luật của các cơ sở đào tạo như: giáo trình Pháp luật đại cương, Lịch sử Nhà nước và Pháp luật; luật Hành chính; Xây dựng văn bản pháp luật; luật Tố tụng hành chính; luật Hình sự; luật Tố tụng hình sự; luật Quốc tế, luật Thương mại Quốc tế, luật Lao động; luật Dân sự, luật Tố tụng dân sự; luật Đất đai; pháp luật về chủ thể kinh doanh; pháp luật về cạnh tranh và giải quyết tranh chấp thương mại; luật Ngân hàng, luật Thuế... Bên cạnh, việc ngày càng hoàn thiện bộ giáo trình, tài liệu học tập cho cả chương trình cử nhân và cao học luật thì trường đại học Luật TP.HCM cũng đang tiến hành biên soạn giáo trình Lý luận về Nhà nước và Pháp luật dành cho bậc đại học chuyên ngành luật nhằm cung cấp những quan điểm, tư tưởng cấp tiến làm cơ sở để người học có những tri thức chung, cơ bản, quan trọng nhất về nhà nước và pháp luật trên cơ sở đó hình thành ở người học phương pháp tư duy, nhận thức đúng đắn về hai hiện tượng nhà nước và pháp luật, tạo tiền đề cần thiết về tri thức và tư tưởng để tiếp tục đi sâu tìm hiểu các tri thức pháp lý khác.
Những giáo trình, tài liệu này của trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh không chỉ được các cơ sở đào tạo luật áp dụng để giảng dạy cho người học mà còn là nguồn tài liệu để các cơ quan, ban, ngành, người dân tham khảo, nghiên cứu và học tập.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cơ sở 1: Số 2 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh.
Số điện thoại: (028) 39400989 - Số fax: (028) 38265291
Cơ sở 2: 123 Quốc lộ 13, P. Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Số điện thoại: (028) 62838141
Cơ sở 3: Phường Long Phước, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh.
- Cổng thông tin điện tử (website): http://www.hcmulaw.edu.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/hcmulaw/